Hướng dẫn cài đặt nhanh WordPress với Softaculous trong cPanel/ DirectAdmin.
Softaculous chắc là một cái tên không còn xa lạ với nhiều bạn ở đây. Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi vì nó được sử dụng trên hầu hết hosting của các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đặc biệt là với hosting sử dụng cPanel. Các hosting sử dụng DirectAdmin cũng có thể được tích hợp sẵn Softaculous, tuy nhiên chúng ít phổ biến hơn.
Softaculous là gì?
Softaculous là một thư viện scripts thương mại, có khả năng tự động cài đặt các ứng dụng web thương mại và mã nguồn mở vào một trang web. Softaculous scripts thường hoạt động trên các khu vực quản trị của một bảng điều khiển hosting, chẳng hạn như cPanel, Plesk, H-Sphere, DirectAdmin hoặc InterWorx.
Softaculous có 2 phiên bản là Pro (trả phí) và Free (miễn phí). Phiên bản Pro cung cấp khả năng cài đặt nhanh chóng hơn 280 ứng dụng. Phiên bản miễn phí hỗ trợ cài đặt trên 50 ứng dụng.
Cài đặt nhanh WordPress với Softaculous
Như đã nói ở trên, Softaculous hỗ trợ cài đặt miễn phí hơn 280 mã nguồn mở, trong đó có cả WordPress. Vì vậy, đối với các shared hosting đã được tích hợp sẵn Softaculous, các bạn có thể cài đặt cho mình một website WordPress dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với phương pháp thủ công thông thường. Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn cách để cài đặt nhanh WordPress với Softaculous.
Về cơ bản, các bước cài đặt WordPress bằng Softaculous trên cPanel và DirectAdmin là hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, các bạn hoàn toàn có thể xem hướng dẫn này để cài đặt trên cả 2 loại web control.
Đối với các shared hosting sử dụng cPanel và có hỗ trợ Softaculous, khi đăng nhập vào giao diện quản trị, các bạn sẽ tìm thấy phần Softaculous Apps Installer trông như thế này.
1. Để bắt đầu cài đặt, các bạn click vào mục WordPress. Ngay lập tức, các bạn sẽ được chuyển đến giao diện cài đặt WordPress trên Softaculous.
Click vào nút Install để tiến hành cài đặt nhanh WordPress.
2. Điền đầy đủ thông tin vào các biểu mẫu.
Cụ thể:
- Choose Protocol: lựa chọn giao thức truyền tải thông tin. Nếu site của bạn có SSL, bạn có thể chọn https:// hoặc https://www. Ngược lại, hãy chọn http:// hoặc http://www.
- Choose Domain: lựa chọn tên miền mà bạn muốn cài đặt WordPress.
- In Directory: chọn vị trí lưu trữ mã nguồn, thông thường bạn nên để trống tùy chọn này nếu muốn cài đặt WordPress vào thư mục gốc.
- Site Name: đặt tên cho website.
- Site Description: mô tả về nội dung của website.
- Enable Multisite (WPMU): tích vào mục này nếu bạn muốn xây dựng hệ thống multisite bằng WordPress. Nếu không, hãy để trống nó.
- Admin Username: khai báo tên đăng nhập website.
- Admin Password: chọn mật khẩu đăng nhập cho website. Bạn có thể click vào hình chìa khóa để tạo mật khẩu ngẫu nhiên. Bạn phải nhớ kỹ mật khẩu này để đăng nhập sau khi hoàn tất quá trình cài đặt.
- Admin Email: email mà bạn muốn sử dụng để quản lý website.
- Select Language: lựa chọn ngôn ngữ cho WordPress.
- Limit Login Attempts (Loginizer): tick vào mục này nếu bạn muốn cài đặt plugin giới hạn số lần đăng nhập thất bại vào khu vực quản trị WordPress. Đây là một plugin bảo mật giúp chống brute force attack.
- Classic Editor: tick vào mục này nếu bạn muốn cài đặt trình soạn thảo cổ điển cho WordPress (Classic Editor) thay vì Gutenberg (Block Editior).
- wpCentral – Manage Multiple WordPress: cài đặt plugin hỗ trợ quản trị WordPress multisite. Nếu không sử dụng multisite, các bạn hãy bỏ trống mục này.
- Database Name: đặt tên cho cơ sở dữ liệu, bạn có thể để mặc định.
- Table Prefix: lựa chọn tiền tố cho các bảng trong cơ sở dữ liệu, bạn có thể để mặc định hoặc thay đổi theo ý muốn.
- Disable Update Notifications: tick vào mục này nếu bạn muốn tắt chức năng gửi email thông báo khi có bản cập nhật WordPress.
- Auto Upgrade: tự động nâng cấp WordPress lên phiên bản mới nhất. Có 3 tùy chọn bao gồm: tắt tự động nâng cấp, chỉ tự động nâng cấp các bản cập nhật nhỏ (Minor) và tự động nâng cấp tất cả các bản cập nhật cả lớn (Major) lẫn nhỏ (Minor).
- Auto Upgrade WordPress Plugins: tick vào mục này nếu bạn muốn tự động cập nhật plugin khi có phiên bản mới. Nếu không, hãy bỏ trống.
- Auto Upgrade WordPress Themes: tick vào mục này nếu bạn muốn tự động cập nhật theme khi có phiên bản mới. Nếu không, hãy bỏ trống.
- Select Theme: chọn 1 giao diện mà bạn yêu thích trong danh sách bên dưới. Bạn có thể không chọn và WordPress sẽ sử dụng giao diện mặc định của nó.
- Email installation details to: nhập địa chỉ email mà bạn muốn Softaculous gửi thông tin cài đặt tới. Nếu bạn không cần, hãy bỏ trống.
Cuối cùng, click vào nút Install và đợi trong giây lát.
3. Sau khi quá trình cài đặt hoàn tất, bạn sẽ nhận được một thông báo trông như thế này.
Bạn có thể click vào 2 đường dẫn có trong thông báo để truy cập vào giao diện web cũng như trang quản trị của WordPress.
- Đây là giao diện mặc định của WordPress, sử dụng theme Twenty Twenty (2020). Theme mặc định sẽ thay đổi tùy theo từng phiên bản WordPress (mỗi năm có 1 theme):
- Còn đây là giao diện trang quản trị WordPress, hay còn gọi là WordPress Dashboard/ WordPress Admin:
Link đăng nhập mặc định của WordPress sẽ là https://mydomain.com/wp-login.php
hoặc https://mydomain.com/wp-admin/
. Nhớ thay mydomain.com
bằng tên miền của bạn.
Xong! Bạn đã cài đặt thành công một website dựa trên mã nguồn WordPress bằng Softaculous, thật tuyệt vời phải không nào?
Kết luận
So với phương pháp cài đặt thông thường thì cài đặt bằng Softaculous đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều. Bạn có thể bỏ qua được nhiều công đoạn trong quá trình cài đặt. Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp hosting nào cũng hỗ trợ Softaculous. Vì vậy, nếu muốn sử dụng công cụ cài đặt mã nguồn mở tự động này, bạn sẽ phải tham khảo kỹ thông tin trước khi mua host.
Bạn thường cài đặt WordPress bằng phương pháp nào? Bạn đã bao giờ cài đặt nhanh WordPress bằng Softaculous hay chưa? Hãy chia sẻ với chúng tôi ý kiến của bạn trong khung bình luận bên dưới.